Báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng việc học sinh tự chọn môn học ở THPT là phương thức dạy học phân hóa phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay và kiến nghị Việt Nam nên áp dụng.
Nội dung báo cáo được đưa ra tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ 10-12/1.
GS Nguyễn Minh Thuyết khi giới thiệu nội dung dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại hội thảo cũng cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp THPT sẽ được coi là giai đoạn định hướng nghề nghiệp , do đó, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp.
Dự kiến lớp 10 có 11 môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán học, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Lớp 11-12 học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc).
Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần.
Chương trình mới cũng cho phép học sinh có thể học các môn học mình yêu thích ở trường khác nếu như nhà trường không tổ chức được lớp học riêng. Kết quả học tập tại trường khác vẫn được nhà trường công nhận và ghi vào học bạ.
Nguồn: vietnamnet.vn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét