Nhẹ, tiết kiệm điện, hiển thị hình ảnh sắc nét và chiếm ít không gian là những ưu điểm của màn hình LCD so với màn hình CRT. Tuy nhiên, độ bền của LCD không bằng CRT và cách bảo quản LCD cũng khó hơn CRT. Chính vì vậy, LCD có thể xảy ra những lỗi hay hiện tượng dường như không có hoặc ít gặp ở CRT. * XÁC ĐỊNH MÀN HÌNH BỊ LỖI:
Màn hình thuộc nhóm thiết bị ngoại vi nên nó sẽ phụ thuộc vào nguồn phát tín hiệu truyền đến nó. Do vậy, khi màn hình có hiện tượng lạ hoặc không lên màn hình, bạn hãy khoan kết luận màn hình bị lỗi. Trong một số trường hợp, màn hình không bị lỗi nhưng nguồn phát tín hiệu hoặc cáp truyền dẫn tín hiệu vào màn hình bị lỗi.
Nếu màn hình không lên hình (chỉ toàn màu đen), trước khi đem đi bảo hành hoặc sửa chữa, bạn hãy lắp nó sang máy tính khác hoặc mượn màn hình khác thay màn hình đó xem có cùng hiện tượng hay không. Nếu chúng không có cùng hiện tượng, màn hình đã bị lỗi; ngược lại, bạn kiểm tra lại card màn hình, RAM hoặc mainboard đối với trường hợp card màn hình onboard. Ngoài ra, ổ đĩa mềm bị chập mạch cũng có thể là nguyên nhân làm cho máy tính không hoạt động; khi đó, bạn hãy rút cáp nguoần và cáp dữ liệu ra khỏi ổ đĩa mềm.
Trong phần lớn trường hợp, màn hình hoặc card màn hình rồi bị lỗi đều có cùng hiện tượng "màn hình không có tín hiệu", trong khi các đèn báo nguồn màu xanh vẫn sáng và đèn báo màu đỏ hiện trạng của đĩa cứng trên thùng máy tính vẫn nhấp nháy như lúc máy tính hoạt động bình thường. Khi đó, nếu đèn bào màu xanh hoặc vàng trên màn hình không sáng, bạn dễ dàng kết luận màn hình đã bị lỗi; bằng không, bạn cần phải có màn hình khác để kiểm tra chéo.
Nếu màn hình hiển thị những ô đủ màu nhấp nháy, hoặc bị đứt đoạn...., bạn hãy kiểm tra card màn hình, thay vì xem xét màn hình.
Nếu màn hình laptop xảy ra hiện tượng bất thường, bạn hãy mượn màn hình (CRT hoặc LCD) của máy tính để bàn và cắm vào cổng VGA (cổng cắm máy chiếu của laptop) và bấm tổ hợp với Fn và phím có chữ LCD (hoặc biểu tượng màn hình) để kiểm tra xem laptop có xuất tín hiệu hình ảnh không.
* MÀN HÌNH BỊ ĐIỂM CHẾT:
Điểm chết của màn hình LCD có thể là màu đen hoặc màu trắng (điểm sáng). Muốn xác định rõ số điểm chết màu đen bạn hãy mở file hình chỉ có màu trắng ở chế độ đầy màn hình (full screen). Tương tự, mở hình màu đen để xác định được số điểm chết màu trắng. Sau khi xác định số điểm chết. bạn hãy gọi đến trung tâm bảo hành để biết điều kiện bảo hành màn hình có điểm chết. Hiện nay, quy định bảo hành màn hình có điểm chết là không thống nhất giữa các hãng sản xuất màn hình LCD hay Laptop. có trường hợp, màn hình có 5 điểm chết nhưng không đúng vị trí hoặc chưa đủ số điểm chết nên vẫn không được bảo hành. Trường hợp này thường không sửa được, hoặc thay panel của LCD thì chi phí khá mắc.
* MÀN HÌNH CÓ VÙNG SẪM MÀU:
Vùng sẫm màu hay còn gọi là bị bầm ở màn hình LCD sẽ hiển thị màu đậm hơn hoặc tối hơn nhưng vùng bình thường. Khi màn hình bị va chạm hay bị đè bởi vật nặng trong khi vận chuyển, vết bầm sẽ xuất hiện. Nếu nhẹ, nó sẽ tự mất sau một thời gian; nặng thì sẽ mãi mãi như thế và không sửa được, trừ khi thay panel (khung hiển thị) của LCD khá đắt.
* MÀN HÌNH BỊ ĐƯỜNG SỌC (HOẶC VỆT) ĐỨNG HOẶC NGANG:
Trường hợp này do đứt mạch truyền tín hiệu hình ảnh bên trong panel của LCD hoặc đứt mạch ở chip (IC) điều khiển. Màn hình sẽ có đường thẳng đứng màu trắng, đỏ, xanh... hoặc đường thẳng nằm ngang cũng có các màu tương tự như đường sọc thẳng đứng. Nếu đem đi sửa, bạn sẽ tốn chi phí thay panel của LCD hoặc chip, chi phí không phải rẻ.
Tương tự với hình thức hư hỏng tạo ra đường sọc dọc hoặc ngang, màn hình có thể có nhiều hơn 2 đường sọc cùng lúc hoặc thậm chí là cả một vệt sọc rộng trong trường hợp chíp điều khiển bị lỗi, hoặc bong nhiều đường mạch gần nhau. Tất nhiên là chi phí sửa chữa cũng sẽ cao hơn so với trường hợp bị đường sọc.
* MÀN HÌNH BỊ NỨT HOẶC VỠ MỘT PHẦN:
Phần nứt hoặc vỡ sẽ có màu đen hoặc trắng. Trường hợp này cần phải thay panel của LCD hoặc đèn màn hình với chi phí khá cao.
* MÀN HÌNH TRẮNG XÓA:
Thay vì hiển thị hình ảnh bình thường hay toàn màu đen và không có tín hiệu, toàn màn hình chỉ có màu trắng xóa trong khi đèn báo màu xanh trước màn hình vẫn sáng. Trường hợp này thường do một phần mạch đi cùng đèn hình bị hỏng, có thể sửa được với chi phí vài trăm ngàn đồng.
* MÀN HÌNH BỊ MỜ:
Ở trường hợp này, mặc dù bạn vẫn thấy được hình ảnh mà màn hình hiển thị nhưng chúng khá mờ hoặc khá tối. Hiện tượng này thường do đèn màn hình đã hết hạn sử dụng, hoặc đèn cao áp bị yếu, mạch giải mã tín hiệu bị lỗi. Bạn sẽ tốn vài trăm ngàn đồng để sửa.
* MÀN HÌNH BỊ LOANG MÀU:
Có nhiều trường hợp gây ra hiện tượng loang màu hay màu sắc hiển thị không đúng trên màn hình. Đa số đều không nghiêm trọng và có thể sửa chữa được với chi phí tương đối thấp, do chỉ sửa các mạch điện phụ trong màn hình. Màn hình có nhiều vệt màu, hoặc những đường sọc đủ màu (hoặc đen trắng) sắp kín màn hình, hoặc đậm một màu, hoặc mất một màu... là những hiện tượng thường thấy khi màn hình bị lỗi về mạch điện hoặc đứt cáp tín hiệu truyền hình ảnh.
Như vậy, sau khi hết bảo hành, nếu màn hình "dở chứng" và có liên quan đến hư hỏng ở panel của LCD hoặc đèn màn hình, bạn hãy nghĩ đến việc mua màn hình mới thay vì sửa để dùng tạm.
Chúc các bạn thành công.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét