Mạng xã hội là bùng nổ trong những năm vừa qua. Với sự ra đời của Mạng xã hội Facebook và Google + số lượng người sử dụng và truy cập vào hàng ngày tăng vọt. Và khi đó khái niệm “chết giả trên mạng” cũng ra đời. Trước khi ý tưởng “chết giả trên mạng” ra đời, Facebook và Twitter đã là những social media khổng lồ, nhưng không ai nghĩ được việc tạm ngừng online Facebook và Twitter lại có thể giúp đỡ người khác.
Sự phát triển mạnh mẽ của social media, phương tiện truyền thông xã hội, khiến người ta nhận ra rằng “sự kiện + social media + đông đảo công chúng” có thể đem lại sức ảnh hưởng to lớn đến thế nào.
Tại sao cái chết của một người nổi tiếng lại được quan tâm đến thế, trong khi hàng triệu người khác chết thì không ai để tâm? Xuất phát từ suy nghĩ này, một ý tưởng độc đáo và đặc trưng cho thời web 2.0 đã ra đời.
|
Sủ dụng Social media khổng lồ hiệu quả nhất |
Những cái “chết” trị giá 1 triệu USD
Để gây quỹ giúp đỡ các gia đình trẻ em nghèo ở Ấn Độ và châu Phi chịu ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS, các ngôi sao ở Mỹ quyết định “chết giả trên mạng”. Cùng video clip chiếu cảnh ngôi sao ra đi trong quan tài là poster minh họa trông như thật, kèm dòng chữ như “Lady Gaga/Justin Timberlake đã chết – Hãy nhắn tin để mua lại sự sống cho thần tượng của bạn”. Để cho phần “chết ảo” thêm sinh động, các ngôi sao cũng tạm ngừng hoạt động trên blog, Facebook và Twitter cho đến khi người hâm mộ nhắn tin quyên góp đủ 1 triệu USD như mục tiêu đặt ra.
Phải thừa nhận rằng chương trình đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm. Lady Gaga có 24 triệu người hâm mộ trên Facebook và khoảng 7 triệu người đăng ký follow (đi theo) trên Twitter. Chương trình này còn có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng khác như nam diễn viên Elijah Wood, nữ ca sĩ Jennifer Hudson, Ryan Seacrest, Kim và Khloe Kardashian, Serena Williams…
Không chỉ là sân chơi cho các cá nhân, các doanh nghiệp lớn cũng không muốn bỏ qua cơ hội thể hiện mình trên các phương tiện truyền thông xã hội, social media. Năm 2009, Ford đưa ra chương trình tiếp thị mang tên Ford Fiesta Movement tại Mỹ. Hãng xe lâu đời này đã mời 100 blogger dùng thử xe trong vòng 6 tháng, mỗi tháng vượt qua một thử thách và chia sẻ trải nghiệm của mình lên Facebook, Twitter, YouTube và Flickr. Sau 6 tháng, Ford Fiesta Movement thu về 4,3 lượt xem trên YouTube, 500.000 lượt xem trên Flickr, 3 triệu lượt đọc trên Twitter và kết nối Hãng với khoảng 50.000 khách hàng tiềm năng, trong đó 97% chưa hề mua xe Ford.
Tại Việt Nam, với 50% người sử dụng internet tại các thành phố lớn (số liệu vào tháng 4.2010), social media đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, là phương tiện quan trọng kết nối khách hàng của các nhãn hiệu lớn.
Domino’s Pizza, thương hiệu thức ăn nhanh với hơn 9.000 cửa hàng trên thế giới khi đặt chân đến Việt Nam vào tháng 11.2010, bên cạnh buổi họp báo truyền thống đã dành riêng một buổi cho các blogger. Đích thân Giám đốc Domino’s Pizza Việt Nam và Phó Chủ tịch Domino’s Pizza châu Á – Thái Bình Dương đã tiếp gần 20 blogger, trò chuyện và giới thiệu với họ về bánh pizza của Domino. Các blogger còn có thể thử làm bánh và “chén” ngay sau đó. Và tất cả hình ảnh, không khí của buổi giao lưu sau đó đã được truyền đi khắp Facebook hay blog cá nhân.
Tại sao lại là social media ?
Không cần phải nói nhiều, ai cũng nhận ra sức mạnh từ khả năng chia sẻ dễ dàng và tính tương tác cao của social media. Trước kia, nếu đọc được một thông tin hay, người ta phải cắt tờ báo ra hay gọi điện thoại để chia sẻ nhưng giờ chỉ mất đúng 1 giây để “tweet” cho hàng trăm người cùng một lúc. Bên cạnh đó, hiệu ứng đám đông cũng là đặc điểm góp gió thành bão cho các làn sóng thông tin truyền đi nhanh hơn trên social media.
Social media là phương tiện để chia sẻ thông tin sinh động nhất với đủ loại hình: bài viết, ảnh, video clip hay chỉ đơn giản là các câu nhận xét cá nhân. Hơn nữa, so với các hình thức truyền thống, chi phí cho social media rất thấp mà hiệu quả thì ngày một cao.
Sức mạnh của social media khiến người thờ ơ nhất với nó cũng không thể đứng ngoài, nếu không muốn phải trả giá. Tai nạn của BP và Toyota trong năm 2010 đã khiến những doanh nghiệp nào còn do dự hoặc chưa đếm xỉa đến social media phải giật mình nhìn lại.
Thứ nhất là sự cố thắng xe gây tai nạn chết người buộc Toyota phải thu hồi sản phẩm. Là hãng xe đứng đầu thế giới và rất xem trọng uy tín, Toyota đã có phản ứng rất nhanh, tích cực tìm ra giải pháp khắc phục sự cố về mặt kỹ thuật. Tuy thế, họ đã không phản ứng được tốt như vậy khi ứng phó với con người. Việc Toyota chần chừ trả lời các làn sóng giận dữ của khách hàng đã dẫn đến một phản ứng dây chuyền gây bất lợi cho danh tiếng của Hãng. Nhiều nhận định không chính xác về mặt kỹ thuật của sự cố trên đã có dịp trôi nổi trên mạng trước khi Hãng kịp có lời giải thích. Đây là bài học cho thấy, chỉ am hiểu sản phẩm và có trách nhiệm giải quyết sự cố thôi chưa đủ. Trong thời đại internet phủ rộng, việc sẵn sàng “online” đối thoại cũng quan trọng không kém.
Sự cố tràn dầu của Tập đoàn Dầu khí BP thì cho thấy một góc độ ngược lại. Ý thức được việc thông tin sẽ loang nhanh như vết dầu tràn, BP đã liên tục cập nhật, trả lời thông tin trên Twitter. Có tới 180.000 người quan tâm đã đăng ký theo dõi thông tin này. BP là ví dụ cho thấy một tập đoàn biết sử dụng social media để thông tin chính xác, trực tiếp đến cộng đồng như thế nào. Tuy nhiên, BP quên rằng điều thực sự giúp họ ngừng bị chất vấn là phải bắt tay khắc phục hậu quả tràn dầu. Tóm lại, việc nhanh chóng đứng ra trao đổi thông tin phải đi cùng với việc tìm ra giải pháp thực sự cho vấn đề. Ở thời đại ngày nay, một công ty sẽ khó thành công nếu không biết cách kết hợp cả 2 điều trên.
Trở lại ý tưởng “chết giả trên mạng”, sau 3 ngày thực hiện, chương trình đã thu được hơn 180.000 USD, khoảng 1/5 số tiền dự kiến và các ngôi sao cũng đã “sống” lại chứ không thể “chết” lâu hơn. Người ta cho rằng, nguyên nhân thu được ít tiền hơn dự kiến là do số tiền 10 USD cho mỗi tin nhắn hơi cao. Nhưng đó là chuyện khác. Điều quan trọng là trước khi ý tưởng ấy ra đời, Facebook và Twitter đã là những social media khổng lồ, nhưng không ai nghĩ được việc tạm ngừng online Facebook và Twitter cũng có thể giúp đỡ người khác.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét